Báo động tình trạng lợi dụng từ thiện để lừa đảo

Ngày 03/01/2020

 -  585 Lượt xem

Lừa đảo từ thiện là một thực trạng cay đắng và ngày càng ngang nhiên, nhiều thủ đoạn. Hành vi này không chỉ trái pháp luật, vô nhân đạo mà còn khiến lòng tin giữa người và người bị xói mòn.

Những lần “vỡ lẽ” đau lòng

Mới đây, thành viên một nhóm từ thiện khá có tiếng đã lên tiếng cảnh báo về hành vi trục lợi từ thiện của một người mẹ. Cụ thể, bệnh nhi bị ung thư võng mạc, người mẹ mặc con tiều tụy để phối hợp với một số “mạnh thường quân” chuyên nghiệp, chụp ảnh đăng tin kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ.

Tiền đổ vào cho người mẹ này rất nhiều và đứa trẻ vẫn tiếp tục biến thành công cụ để người mẹ trục lợi. Một số nhóm từ thiện đã vào tận nơi, khảo sát hoàn cảnh, thấy thực tế như trên đã lên tiếng, tuy nhiên, vì thông tin thương tâm mà người mẹ và “mạnh thường quân” đăng tải rộng rãi và khá chuyên nghiệp, nên số tiền ủng hộ từ những người chưa biết chuyện vẫn cứ đổ về.

Thực tế, chuyện lợi dụng từ thiện để trục lợi hiện nay đã trở nên nhan nhản trong xã hội. Từ những câu chuyện nhỏ có thể bắt gặp ngoài đường như cụ già nghèo ngồi bán rau “nhà trồng” ven đường, chàng thanh niên nghèo lỡ đường không có tiền đổ xăng, hay ba mẹ con khốn khổ thường ăn xin trên cầu…

Thực tế, khi những hoàn cảnh đáng thương tái diễn nhiều lần, người ta mới vỡ lẽ, thì ra ông cụ nghèo bán rau thường được người mua rau cho thêm nhiều tiền hóa ra là một người già khỏe mạnh, thường mua rau ở chợ đầu mối, ra lề đường vừa bán vừa xin tiền cho dễ. Hay chàng thanh niên nghèo xin tiền đổ xăng thì đi trạm xăng nào cũng gặp, còn ba mẹ con người phụ nữ đau ốm hóa ra nằm trong đường dây chăn dắt trẻ em…

Ở một quy mô lớn, tốn kém hơn là những hoàn cảnh “thương tâm”, những người nghèo khổ, bệnh tật hiểm nghèo được đưa lên mạng để cộng đồng mạng ra tay giúp đỡ. Thực tế, trong số đó có không ít sự dàn dựng, trục lợi.

Như cách đây ít lâu, một cụ bà đã lấy được nước mắt của cộng đồng mạng khi báo chí, mạng xã hội đăng tải sự việc cụ bà có nhiều con nhưng bị các con bỏ rơi, sống một mình với mấy con chó trong căn nhà cũ nát. Không ít người có lòng đã tìm đến tận nơi, tặng quà, tiền bạc giúp đỡ cụ. Nhưng ít lâu sau, người ta được nghe một sự thật khác: Cụ bà đã có nhà cửa, sống với con cái đàng hoàng, mái nhà nát ấy là để “tiếp” những người đến giúp đỡ mà thôi!

Có không ít câu chuyện như thế xảy ra, cho thấy rằng, lòng hảo tâm của cộng đồng giờ đây đang biến thành miếng mồi béo bở cho bọn chuyên trục lợi bằng hoạt động từ thiện.

Trục lợi trên nỗi đau của người khác

Chuyện làm từ thiện trở thành cái vỏ của hành vi trục lợi, lừa đảo là không ít và ngày càng có quy mô, trở nên chuyên nghiệp, có tổ chức hơn. 

Chị Lê Thị Thảo Vi, giáo viên ở Gò Vấp, TP HCM có con nhỏ nằm ở Bệnh viên Nhi đồng chia sẻ, thực trạng lừa đảo từ thiện đã diễn ra nhiều năm nay với một số gia đình có con bệnh nặng, có hoàn cảnh khá khó khăn. 

Chị Vi chia sẻ: “Tôi nuôi con ở đây gần 2 tháng, thấy một số cảnh phải nói quá đáng sợ. Bên cạnh những tổ chức làm từ thiện thực sự có lòng thì có hẳn những tổ chức chuyên đi “săn” những hoàn cảnh thương tâm để thỏa thuận với cha mẹ, người nhà trẻ, đưa lên mạng xin tiền. Họ thỏa thuận với nhau rõ ràng, tiền kiếm được chia 5/5 hoặc 6/4 tùy hoàn cảnh.

Nhiều cha mẹ ban đầu xuất phát từ lo lắng cho con, sau đó là vì đồng tiền làm mờ mắt, bỏ mặc việc chăm sóc, tập trung chữa bệnh cho con nhỏ, cứ chăm chăm lấy nước mắt của nhà hảo tâm, đổ tiền vào túi mình. Đáng lên án hơn là có những bậc cha mẹ cố ý “nuôi bệnh” cho trẻ bằng cách dây dưa không chạy chữa, không bồi bổ trẻ để lấy được thật nhiều tiền”.

Thời gian gần đây, nhiều thành viên các đoàn thiện nguyện cũng đã lên tiếng vạch trần chuyện có cả những e kip, tổ chức chuyên lừa đảo bằng từ thiện lộng hành trong một số bệnh viện. Ngoài việc “săn” ca bệnh, tiếp cận với bệnh nhân để đề nghị “ăn chia”, các nhóm này thậm chí còn móc nối với một số điều dưỡng của bệnh viện để hỗ trợ, dễ dàng thuyết phục nhà hảo tâm. Nhiều nhà hảo tâm đến tận bệnh viện hỏi han điều dưỡng và trực tiếp đi đóng viện phí giúp nhưng vẫn không thể thoát khỏi “ma trận” của những đối tượng xấu…”.

Từ cuộc sống thực đến mạng ảo giờ đây nhan nhản những đối tượng lừa đảo quy mô từ nhỏ, không chuyên đến có tổ chức, chuyên nghiệp. Đáng tiếc rằng, những hành vi này hiếm khi bị tố cáo, rất khó xử lý trước pháp luật. Thế nên, từ thiện giờ đây nhiều chỗ đã bị biến tướng thành một “nghề” có thể kiếm lợi nhuận tốt, không tốn nhiều công sức và vô hình trung khiến niềm tin bị xói mòn, mất đi nhiều cơ hội cho những người cần giúp đỡ thật sự. 

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam